Để có tiền trang trải cuộc sống và chữa bệnh, người đàn ông ngoại quốc U60 đã ngồi một góc hồ Gươm để bán đồ mưu sinh.
Chiều mưa lạnh buốt cuối tháng 3, người đàn ông ngoại quốc, cao, gầy, nép mình vào góc một cây ATM gần bờ hồ Hoàn Kiếm. Trước mặt ông là chiếc ghế nhỏ cùng tăm bông, kẹo,… và một vài thứ khác. Ông là Khalaf Abuawad (60 tuổi, người Palestine).
Lần đầu tiên thấy người ngoại quốc khổ vậy, một người phụ nữ đi qua nhờ người khác phiên dịch hộ, ý bảo: “Ông hãy ra phố Tạ Hiện bán, ở đấy rất đông người”. Ông Khalaf Abuawad nhận lòng tốt và chỉ vào bụng và nói: “Do cơ thể đau yếu không thể di chuyển được, nên đành phải ngồi đây”.
Trước mặt ông là tấm bìa viết chữ: “Xin hãy mua giúp tôi chiếc kẹo”.
Hàng ngày từ 16h-23h bất kể nắng mưa, ông Khalaf Abuawad vẫn ngồi tại góc hồ để bán đồ.
Được biết ông Khalaf Abuawad sinh ra ở Palestine, định cư ở Jordan, trong gia đình có 5 anh chị em. Năm 18 tuổi, ông sang Kuwait làm thợ điện tử. Giữa năm 2017, ông nghỉ hưu và bắt đầu đi tìm cuộc sống mới ở các nước Đông Nam Á. Ông nói: “Tôi không có vợ con, nên muốn đến một nơi bình yên an hưởng tuổi già”.
Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu hành trình đi xuyên Đông Nam Á, Malaysia, Indonesia và Campuchia. Hơn 2 năm, số tiền tích góp trong 40 năm cạn dần vì chi phí đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ. Tháng 2/2020, ông đến Việt Nam khi chỉ còn 500 USD trong túi.
Ông Khalaf liên hệ Đại sứ quán Palestine, được hỗ trợ chỗ ở cùng khoản tiền 10 triệu đồng trong hai tháng. Ngoài ra, Đại sứ quán Qatar cũng hỗ trợ một đợt 5 triệu đồng. Ông giải thích, do Palestine, Jordan và Quatar đều thuộc cộng đồng Arab World (các quốc gia Ả rập gồm 22 thành viên) nên công dân thuộc 22 nước này đều được giúp đỡ.
Khi đến Việt Nam, ông xin làm nhân viên tại một nhà hàng trên phố cổ để trang trải cuộc sống. Thế nhưng không phải việc gì cũng thuận lợi, ông bất ngờ phát hiện bị ung thư tụy mật giai đoạn cuối nên chuyển sang bán hàng rong để lấy tiền điều trị. Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, không bán được hàng và cũng chẳng xin được việc, ông Khalaf đi lượm ve chai.
Có khách mua đồ, ông luôn chấp tay và cúi đầu thay lời cảm ơn.
Nhiều người khuyên ông nên về nước để được điều trị tốt hơn, nhưng điều đó là không thể bởi ở nước ông, chi phí sinh hoạt, điều trị ung thư rất đắt đỏ. Tại Việt Nam, ông điều trị ngoại trú tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì), trung bình mỗi tháng hết 10 triệu đồng.
“Tôi không bị mắc kẹt tại Việt Nam, mà muốn ở lại để sinh sống và chữa bệnh”, ông Khalaf nói.
Từ đó đến nay, mỗi ngày từ 16h-23h hàng ngày, ông Khalaf Abuawad cùng quầy bán hàng gắn liền với 1 góc ATM trên phố đi bộ, gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Vì sức khỏe yếu, không thể di chuyển, nên người đàn ông U60 chỉ có thể ngồi một chỗ và bán những đồ lặt vặt.
Ông Khalaf tiết lộ lý do lớn nhất khiến ông không muốn về nước là ‘cái tình của người Việt’. Ông nói cả đời đi qua bao nhiêu quốc gia nhưng chưa ở đâu gặp những người xa lạ sẵn sàng tặng tiền để chữa bệnh hay thường xuyên tặng đồ ăn, giúp ông qua cơn đói. Ngay cả các bác sĩ cũng nhiệt tình hỗ trợ người ngoại quốc nghèo.
Rất mong muốn được trả ơn Việt Nam khi sức khỏe ổn định, ông nói: “Sau 60 năm cuộc đời, bôn ba tứ xứ nhưng hai năm qua tự trái tim mình tôi đã coi Việt Nam là nhà, người Việt là gia đình. Khi sức khỏe ổn định, tôi sẽ mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ nhỏ, để các em tự tin giao tiếp, học cách phát âm chuẩn, nói giống người bản địa. Tôi muốn được trả ơn đất nước xinh đẹp này”.
Mỗi tháng hết 10 triệu chữa bệnh
Đại diện Đại sứ quán Palestine cho biết thấy hoàn cảnh ông khó khăn, Đại sứ quán và người nhà nhiều lần ngỏ ý mua vé máy bay cho ông hồi hương, nhưng người đàn ông 60 tuổi từ chối. Ông nói, tiền điều trị tại Jordan đắt đỏ, viện phí một năm lên đến 50.000 USD, còn ở Palestine, anh chị em của ông đều có cuộc sống riêng, ông không muốn phiền đến ai.
Bác sĩ Trần Thắng, Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện K Tân Triều, cho biết ông Khalaf Abuawad là bệnh nhân ung thư đường mật giai đoạn muộn, điều trị tại bệnh viện. Thời gian đầu ông khám tại Bệnh viện Đại học Y, sau chuyển sang Bệnh viện K từ năm 2021. Hiện, sức khỏe của bệnh nhân ngày càng xuống cấp do tác động của hóa chất và xạ trị.
Những thứ ông Khalaf bán.
Trung bình mỗi tháng, ông tốn khoảng trên dưới 10 triệu đồng tiền điều trị, tùy từng đợt. Tiền viện phí, thuốc men dựa vào gánh hàng rong và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. “Thời gian trước, có lần ông được ủng hộ vài chục triệu đồng, liền bắt xe buýt xuống bệnh viện gửi để trả dần tiền điều trị”, bác sĩ Thắng nói và cho biết bệnh viện cũng tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, mong ông chuyên tâm điều trị.
Ngoài viện phí, mỗi tháng ông phải trả hơn 3 triệu đồng tiền trọ trên phố Lò Sũ, cách chỗ bán hàng chừng 500m nhưng thi thoảng vẫn xin nợ vì không còn tiền. Anh Lê Xuân Nhân, 20 tuổi, quản lý chỗ trọ của ông Khalaf Abuawad, cho biết: “Ông Khalaf luôn là người rất uy tín. Tháng nào chậm tiền nhà ông đều nói trước vài ngày, hứa trả đúng hẹn, do hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi có giảm giá tiền trọ”.